Việc nhận dạng vị trí thuê bao di động (TBDĐ) cho những lợi ích về an ninh quốc phòng, điều hành doanh nghiệp, gia đình, cá nhân... tuy nhiên, một phần cũng gây tâm lý lo lắng về sự riêng tư bị người khác lợi dụng cho chủ TBDĐ. Bài viết dưới đây lấy ý kiến của một nhà quản lý viễn thông sẽ cung cấp thông tin rõ hơn về tính pháp lý và cách thức ứng dụng.
Cơ chế xác định vị trí thuê bao
Việc xác định vị trí TBDĐ mặt đất hiện nay có thể thực hiện theo 2 hình thức: Thông qua hệ tọa độ địa lý (kinh độ, vĩ độ) của thiết bị định vị GPS (Global Positioning System) hoặc tọa độ của các trạm thu phát sóng BTS (Base Transcive Station). Dù với hình thức nào, nếu hệ thống quản lý muốn xác định vị trí TBDĐ đều phải thông qua hạ tầng viễn thông của mạng thông tin di động. Ứng với tọa độ nhận được từ TBDĐ, hệ thống phần mềm quản lý sẽ cho biết vị trí địa lý hành chính tương ứng trên bản đồ số. Nếu xác định vị trí thuê bao qua GPS thì chính xác hơn, còn xác định thông qua trạm BTS thì độ chính xác không cao, vùng xác định rộng tùy theo phạm vi phủ sóng của BTS.
Với BTS, quá trình nhận thực SIM trong mạng GSM được thực hiện qua 3 bộ phận: Máy di động MS; Trung tâm chuyển mạch MSC và bộ đăng ký định vị tạm trú VLR (Visitor Location Register); Bộ đăng ký định vị thường trú HLR (Home Location Register, máy tính có khả năng quản lý hàng trăm ngàn thuê bao) và trung tâm nhận thực AuC (Authentication Center, có nhiệm vụ cung cấp cho HLR các tham số nhận thực và các khóa mật mã). Bất kể MS hiện ở đâu, HLR đều lưu giữ mọi thông tin thuê bao liên quan đến việc cung cấp dịch vụ viễn thông và vị trí hiện tại của MS.
Với GPS, hệ thống hoạt động dựa trên sự kết hợp nhiều công nghệ: GPS (Định vị toàn cầu) kết hợp với GSM/GPRS (dịch vụ truyền dữ liệu dạng gói) và GIS (thông tin địa lý). Hệ thống gồm 24 vệ tinh phát sóng GPS; Trung tâm dữ liệu bao gồm các hệ thống máy chủ lưu trữ và xử lý thông tin thu thập được từ các thiết bi GPS; Thiết bị đầu cuối là MS có chức năng GPS hoặc máy định vị GPS chuyên dùng kết nối với MS. Vị trí của MS được xác định thông qua GPS sẽ được gửi liên tục về trung tâm dữ liệu qua hạ tầng truyền dẫn của mạng GSM bằng GPRS hoặc qua hệ thống tin nhắn SMS. Khoảng thời gian giữa hai lần gửi liên tiếp là 10 giây hoặc dài hơn tùy nhu cầu và có thể lập trình để thay đổi. Với công nghệ GIS và Internet, không những nhà mạng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng GIS, mà người dùng cũng có thể giám sát các thuê bao theo thời gian thực trên nền bản đồ số chi tiết của 63 tỉnh, thành Việt Nam.
"Có nhiều yêu cầu đăng ký sử dụng dịch vụ của các chủ TBDĐ (doanh nghiệp, các bậc phụ huynh...) để quản lý nhân sự, con em... Cá biệt, một số chủ TBDĐ rất cần sử dụng để theo dõi người thân bị thiểu năng trí tuệ thường hay bỏ nhà đi lang thang". |
|
Nhu cầu thực tế và khả năng đáp ứng
Trong thực tế, công tác quản lý điều hành hoạt động của các doanh nghiệp vận tải, hoặc doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hoạt động vận tải rất cần sử dụng dịch vụ xác định vị trí TBDĐ để quản lý công việc. Theo thông tin của các nhà mạng, gần đây, họ thường nhận rất nhiều yêu cầu đăng ký sử dụng dịch vụ của các chủ TBDĐ (doanh nghiệp, các bậc phụ huynh...) để quản lý nhân sự, con em... Cá biệt, một số chủ TBDD rất cần sử dụng để theo dõi người thân bị thiểu năng trí tuệ thường hay bỏ nhà đi lang thang. Một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ứng dụng GIS đã tung ra nhiều dòng sản phẩm đáp ứng nhu cầu cho từng loại hình doanh nghiệp, cá nhân. Ứng dụng định vị GPS, viễn thông GSM/GPRS và GIS có VietMap với dịch vụ hệ thống GPS quản lý xe (Vietmap GPS Tracking System), hệ thống dành cho cá nhân trong việc chống mất cắp xe… Đáp ứng nhu cầu cá nhân muốn giám sát TBDĐ có các dịch vụ của Vinaphone như: FamilyCare, Family Finder, Family Tracker...
Tính pháp lý
Khoản 3 và 4 Điều 6 về đảm bảo bí mật thông tin của Luật Viễn thông có quy định: “Thông tin riêng chuyển qua mạng viễn thông công cộng của mọi tổ chức, cá nhân được bảo đảm bí mật. Việc kiểm soát thông tin trên mạng viễn thông do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp viễn thông không được tiết lộ thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông, bao gồm tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, vị trí máy gọi, vị trí máy được gọi, thời gian gọi và thông tin riêng khác mà người sử dụng cung cấp khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp”. Nếu căn cứ vào quy định này thì chắc chắn không có doanh nghiệp viễn thông nào được phép cung cấp thông tin của thuê bao cho người khác, trừ khi có yêu cầu của cơ quan của nhà nước có thẩm quyền để thực thi nhiệm vụ nhằm đảm bảo an toàn và an ninh thông tin. Tuy nhiên tại Mục a, Khoản 4 Điều 6 có quy định: "...trừ trường hợp người sử dụng dịch vụ viễn thông đồng ý cung cấp thông tin".
Như vậy căn cứ vào trường hợp này, các doanh nghiệp thông tin di động sẽ thỏa thuận với khách hàng qua hợp đồng đăng ký dịch vụ hay tin nhắn để lấy được ý kiến của thuê bao về việc có đồng ý cung cấp các thông tin riêng như đã nêu trên hay không? Do đó, người sử dụng dịch vụ cần thận trọng khi đăng ký dịch vụ hoặc trả lời tin nhắn của nhà cung cấp về việc đồng ý cung cấp thông tin.
Cấu trúc mạng GSM | Cấu trúc của mạng thông tin di động GSM |
Mạng thông tin di động GSM gồm có 3 thành phần: Thiết bị di động MS (Mobile Station) được người thuê bao mang theo; Hệ thống trạm gốc BS (Base Station Subsystem) gồm có hai phần Trạm thu phát gốc (BTS) và Trạm điều khiển gốc BSC (Base Station Controller), điều khiển kết nối vô tuyến với thiết bị di động; Hệ thống mạng với bộ phận chính là Trung tâm chuyển mạch dịch vụ di động MSC (Mobile service Switching Center), thực hiện việc chuyển mạch cuộc gọi giữa các TBDĐ và giữa các TBDĐ với thuê bao của mạng cố định.
MS có 2 bộ phận: mođun nhận dạng thuê bao SIM và thiết bị di động ME (Mobile Equipment). Trong ME có bộ phận thu phát radio và báo hiệu. Thẻ SIM có thể gắn vào các thiết bị ME khác nhau, người dùng thay đổi các ME theo ý thích như kiểu dáng, màu vỏ máy... SIM cũng có phần cứng, phần mềm với bộ nhớ có thể lưu trữ thông tin.
Mỗi MS của mạng GSM được cấp một số nhận dạng TBDĐ quốc tế IMSI (International Mobile Subscriber Identity) duy nhất. IMSI được lưu trữ trong SIM và trong bộ đăng ký địa chỉ thường trú HLR. Khi MS của thuê bao tham gia vào mạng (gửi mã IMSI lấy từ SIM vào mạng di động đăng ký với trạm thu phát sóng gần nhất) được trạm gốc BS cấp phát một kênh vô tuyến. Sau khi đã gia nhập mạng, một mã số nhận dạng tạm thời TMSI được sử dụng trong suốt các quá trình trao đổi thông tin giữa thiết bị di động MS và mạng di động (kể cả khi thiết bị di động di chuyển và gia nhập vào trạm BTS mới).
Mỗi tổng đài MSC có thể kết nối với một hoặc nhiều hệ thống điều khiển vô tuyến BSC, mỗi BSC lại kết nối với một hoặc nhiều BTS, mỗi trạm BTS phát sóng theo nhiều hướng khác nhau (thường là 3 hướng, mỗi hướng gọi là 1 ô tế bào - gọi là Cell hay Sector). Mỗi ô tế bào phục vụ nhiều TBDĐ. Mỗi ô tế bào được xác định bằng một mã số có dạng XXYYZ, trong đó XX là mã số của BSC, YY là mã số của trạm BTS, Z là số thứ tự của ô tế bào trong trạm BTS đó. Nếu trạm BTS có nhiều ô tế bào thì Z có giá trị từ 1 đến 3. Nếu trạm BTS chỉ có 1 ô tế bào thì Z thường có giá trị là 0 hoặc 9. Từ các mã số trên mà nhà quản lý mạng sẽ biết được vị trí của MS đang ở cell nào của trạm BTS. |